-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Lụa là gì?
Lãnh Mỹ A hồi sinh lận đận
Bên nàng mặc lãnh Mỹ A
Đưa đò sang chợ tưởng xa hóa gần
Đôi câu ca dao khơi gợi một thời vàng son lụa Tân Châu. Chuyện những xấp lãnh Mỹ A nức tiếng Nam kỳ lục tỉnh, theo thương buôn đến tay giới quyền quý tuốt Nam Vang (Campuchia), Xiêm La (Thái Lan) thỉnh thoảng vẫn được nhiều bậc cao niên xứ lụa nhắc lại lúc nhàn đàm. Tự hào. Tiếc thương. Ngậm ngùi. Tư duy kinh tế lầm lạc khiến thủ phủ tằm tang đồng bằng sụm gãy. Năm 1997, lãnh Mỹ A tái xuất ở cơ sở dệt nhuộm của nghệ nhân Tám Lăng (Nguyễn Văn Long). Thế hệ thứ hai kế tục lò dệt nhuộm này còn làm được nhiều hơn thế.
Trăm năm xứ lụa
“Trăm năm” là con số tương đối. Sách Tân Châu xưa của Nguyễn Văn Kiềm - Huỳnh Minh xuất bản giữa thập niên 1960 ghi “Nhà Tằm trên” ở Tân Châu được thành lập năm 1909 từ sáng kiến của ông Bùi Quang Chiêu - Giám đốc Sở Canh nông Nam kỳ. Hãng tằm hỗ trợ nông dân từ khâu chọn giống dâu đến phương thức canh tác, rồi lựa giống tằm, phân phát hom nuôi tằm, trứng bướm...
Phơi lãnh
Nhà Tằm trên “gồm ba gian đồ sộ, một dành cho chủ ở, một để nuôi tằm và một ở giữa hai gian nầy để sấy kén. Để tránh nạn lụt nên nhà sở cất theo kiểu nhà sàn của người Chà Châu Giang (Châu Đốc)” (sách đã dẫn). Mùa nước nổi, đồng bằng (trong đó có Tân Châu) tiếp nhận hàng triệu tấn phù sa đổ về từ thượng nguồn. Đất đai màu mỡ là điều kiện thích hợp để phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm. Ngoài yếu tố thổ nhưỡng, Tân Châu còn thuận lợi về giao thương, “là một cái bến rất quan trọng để liên lạc sự giao thông giữa Nam Vang và Sài Gòn... Bến chợ Tân Châu có những chiếc chài to lớn của hiệu Chương Hưng và Đức Nguyên chở thổ sản từ Tân Châu lên Chợ Lớn rồi chở hàng hóa từ nơi đấy về Tân Châu” (sách đã dẫn).
Nhận định Tân Châu có cơ hội trở thành một trung tâm kỹ nghệ tơ tằm, năm 1912 họ Bùi huy động nguồn lực xã hội xây dựng thêm “Nhà Tằm dưới”, chuẩn bị cho việc nhập khẩu máy dệt từ Pháp. Tiếc rằng ông không gặp thời. Thế chiến thứ nhất bùng nổ (1914-1918) khiến kế hoạch bị ngưng trệ. Sáu năm sau, ông rã phần hùn, nhượng lại “Nhà Tằm dưới” cho Sở Canh nông Nam kỳ. Đến năm 1937, Thống đốc Nam kỳ ký quyết định 3840 cho phép Sở Canh nông Tân Châu lập “trường đào tạo thợ dệt tân tiến hầu canh cải nghề dệt bổn xứ. Từ đó, trường dệt này đã rèn được khá nhiều tay thợ giỏi” (sách đã dẫn).
Những cứ liệu lịch sử được ghi chép thận trọng bởi một trí thức quê Tân Châu là cơ sở suy đoán chuỗi sản xuất từ tơ đến dệt đã hình thành ở xứ này trước cột mốc 1909. Tuy nhiên, khó có thể phủ nhận lộ trình can thiệp chừng mực của chính quyền bảo hộ vào xứ tằm tang, mà công đầu thuộc về tiền hiền Bùi Quang Chiêu - người đầu tiên xứ Nam kỳ tốt nghiệp kỹ sư canh nông tại Pháp.
Từ đống tro tàn
Xứ lụa tan tác ít năm sau 1975. Cuộc cải tạo thương nghiệp ở miền Nam khiến những người có của cải gặp tai họa. Nỗi ám ảnh bị quy kết thành phần tư sản khiến đồ lãnh Mỹ A vùi dưới đáy rương. Dòng sản phẩm trứ danh này bị thủ tiêu. Dân chúng khoác lên mình những bộ đồ tầm thường. Thị trường cần sản phẩm rẻ, nhiều, đáp ứng nhu cầu “mặc ấm”. Vải nylon lên ngôi. Đầu vào công nghiệp khiến nhiều nghề thủ công phụ trợ vô dụng. Những cánh đồng dâu xanh ngút tầm mắt làm bạn nắng mưa. Những lò nuôi tằm, ươm tơ đóng cửa. Đám trẻ con ngơ ngác, tiếc hụi món nhộng tằm rang khoái khẩu. “Mấy năm thôi mà nhiều người nghèo luôn một đời”, anh Nguyễn Hữu Trí ngậm ngùi. Người đàn ông trung niên này là con trai út nghệ nhân Tám Lăng - chủ cơ sở sản xuất tơ lụa Tám Lăng và cũng là lò dệt duy nhất ở Tân Châu còn sản xuất lãnh Mỹ A. Mặt vải đen huyền, mềm mượt. Mùa lạnh mặc ấm, mùa nóng lại mát. Đặc biệt, càng mặc lâu càng bóng. “Có thể trong mủ mặc nưa có chất dầu” - ông Tám phỏng đoán.
Đi loanh quanh trong xưởng coi việc dệt là thú vui tuổi già của nghệ nhân Tám Lăng
Dấu ấn Pháp không chỉ xuất hiện trong thời hoàng kim xứ lụa. Người vực dậy nghề dệt lãnh Mỹ A cũng là một người Pháp. Lật cuốn album xộc xệch, ông Tám Lăng dừng lại tấm hình một người phụ nữ với mái tóc đen cúp gọn và nụ cười rạng rỡ. Cô tên Rose, làm thiết kế thời trang. Thông tin mơ hồ về đối tác là một phần trong thỏa thuận giữa đôi bên. “Nhờ cổ mà lãnh Mỹ A tái sinh”, ông Tám bồi hồi nhắc lại cuộc gặp gỡ năm 1997. Mang theo chiếc quần lãnh Mỹ A mua lại của một tiểu thương, cô R. gõ cửa hầu khắp nhà dệt đề nghị khôi phục nghề dệt lãnh Mỹ A. Sự nhiệt thành của người phụ nữ ngoại quốc vấp phải ít nhiều hoài nghi. Số khác có lòng thì khung dệt hư nát. Duyên khởi khi cô R. kiếm được ông Tám Lăng. Tiền công ứng trước, cô mạnh cam kết bao tiêu đầu ra. Lãnh Mỹ A sống lại.
Gốc của ông Tám là lái mặc nưa. Thời đoạn thập niên 60 và nửa đầu thập niên 70 thế kỷ trước, có lúc xứ lụa tiêu thụ 40 tấn mỗi ngày. Thiếu nguyên liệu tại chỗ, thương lái phải qua Campuchia gom. Sinh ra ở bên kia biên giới là lợi thế, khiến ông Tám được xem là một thương lái máu mặt trong vùng. Hai chục năm ngược xuôi bỏ mặc nưa cho hầu khắp lò dệt nổi tiếng trong xứ là cơ hội để ông học mót nghề. Khi hoạt động thương mại biên mậu bị siết chặt, ông Tám xoay qua dệt nhuộm. Làm chừng vài năm thì kinh tế nhà nước khẳng định vai trò độc tôn, đường lối sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa xóa sổ khu vực tư nhân, lùa những lò dệt vào hợp tác. GS. Đào Xuân Sâm viết trên báo Nhân Dân năm 1986: “Chính sách của chúng ta lâu nay là thường đối lập cải tạo với phát triển. Cứ mỗi lần mở chiến dịch cải tạo thì sản xuất lại giảm sút...”. Nhắc lại đơn hàng đầu tiên sau nhiều năm gián đoạn, ông Tám nói: “Khởi đầu khá chuệch choạc. Cả năm mần được 500 thước. Nhiều lỗi. Cổ cùng với tụi tôi nghiên cứu, chỉnh sửa cho đến khi đạt chuẩn ở bển (quốc tế - NV). Giờ tôi mần vững vàng”.
Thanh âm lạch xạch rung lên từ những chiếc máy Quảng, được ông Tám lặng lẽ thu gom rồi trùm mền hồi nghề dệt thoái trào. Ông sợ người ta quẫn trí, đem chụm củi. Gọi là máy Quảng bởi xuất xứ từ vùng lụa Duy Xuyên (Quảng Nam), du nhập vào Tân Châu. Ưu việt của máy Quảng là khung dệt 9 tấc, năng suất cao hơn khung “cẩm tự” lâu đời (4 tấc). Người cải tiến khung dệt lên 9 tấc cũng là người xứ Quảng - ông Cửu Diễn. Nhưng đấy lại là một câu chuyện khác.
Đến giờ, lai lịch tên gọi lãnh Mỹ A còn là một bí ẩn. Chỉ biết sản phẩm thủ công này không thể thiếu trái mặc nưa, khá phổ biến ở miền Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar. Khác với cây dâu chịu đất thịt, cây mặc nưa ưa đất cằn, thường mọc ở kẹt tường, hàng rào... Mặc nưa ra trái từ cuối tháng Tư ta, lai rai đến hết tháng Chạp. Trái mau hư, thường không trữ được quá ba ngày. Thợ nhuộm phải thức sớm, nghiền nhuyễn mặc nưa, lược lấy mủ đặc quánh hòa với nước theo đúng tỷ lệ.
Dung dịch màu vàng sánh này chuyển dần sang màu đen kịt trong môi trường không khí, lúc ấy đưa cây hàng vào nhúng, vắt, rồi hong nắng sớm. Non trưa là ngưng. Lãnh Mỹ A không chịu nắng gắt. Chu trình nhúng - vắt - phơi thường kéo dài 45 ngày trong điều kiện trời nắng liên tục. Trong khoảng thời gian này mỗi cây hàng được đập sáu lần. Nguyên tắc cơ bản là đầu vụ, trái nhiều mủ, nhuộm ít đập nhiều; cuối vụ mủ ít, nhuộm nhiều đập ít. Bình quân một cây hàng (gần 21 thước) bán thành phẩm nặng 8 lạng. Nhuộm thành phẩm, trọng lượng vọt lên 2,1kg. Phần chênh lệch là nhựa mặc nưa.
Sự bất định của thời tiết, thời vụ khiến quá trình xử lý tùy thuộc vào kinh nghiệm của thợ nhuộm. Mà thợ lành nghề ở Tân Châu ngày càng hiếm hoi. Lớp trẻ không theo, lớp già rơi rụng. Là một trong hai thợ nhuộm của cơ sở Tám Lăng, anh Phú Thành Tài theo nghề từ thuở đôi mươi, đến nay đã 18 mùa mặc nưa. Vừa mưu sinh, vừa giữ cái nghề ông bà để lại. Nhận cây hàng vào cái bồn đen quánh mủ, anh Tài nói: “Thanh niên không thích nghề này. Mần dơ tay, khó... cua gái”. Đàn ông nhuộm, đàn bà đập vải. Mủ mặc nưa bám rịt đến khuỷu, đen thùi. Chà sạch rất tốn công, đau nữa.
Hết buổi làm rửa quấy cho xong, còn làm việc khác. Hỗn danh “dân bàn tay đen” chỉ người xứ lụa từ đó mà ra. Thợ nhuộm thiếu, thợ dệt xem chừng còn gay go hơn. Hai trong ba thợ chính ở xưởng đều đã ngoại ngũ tuần, ôm hai máy dệt. Ngoài sức khỏe, thị lực quyết định tuổi nghề. Khung dệt mắc 12.550 sợi tơ, có khi lên 14.800, tùy thuộc độ dày mỏng của cây hàng. Mắt yếu không theo kịp. “Tôi đang tìm cách cải tiến máy dệt để phụ nữ có thể dệt được. Chỉ có cách đó mới có cơ may giữ được nghề” - anh Trí trầm ngâm.
Phơi lãnh trong nắng sớm
Dệt công phu, may lãnh Mỹ A công phu không kém. Dẫn chứng trường hợp một khách lẻ hư năm bộ áo dài dù may ở năm hiệu may ngoài Hà Nội, anh Trí lý giải chuyện lãnh Mỹ A gặp khó ở thị trường nội địa. Một là phải dùng chỉ tơ tằm nhập khẩu, có độ co giãn tương tự như tơ tằm dệt lãnh. Đồ ráp bằng chỉ thường sẽ bị rút so với mặt vải tơ tằm khi giặt. Hai là phải dùng loại mũi kim tròn, nhỏ, tránh đâm trúng sợi tơ, phá vỡ liên kết mặt vải. Ba, lãnh Mỹ A không cho phép vừa may vừa sửa theo lệ thường. Đã xuyên kim qua mặt vải, tạo thành lỗ thủng, là may một lèo. Khó trùng khó nên lãnh Mỹ A không tiếp cận được thị trường phổ thông, thường chỉ dành cho giới thiết kế phục vụ thiểu số thượng lưu. Nhiều năm qua, công suất lãnh Mỹ A dao động quanh con số ba ngàn thước. “Chỉ làm lãnh thì sống không nổi” - anh Trí trả lời câu hỏi về lợi nhuận.
Cơ sở Tám Lăng dệt thêm gấm. Hàng đại trà. Giá bỏ mối chưa tới 10 ngàn đồng/thước. Bù lại, mỗi thợ cùng lúc có thể ôm sáu, bảy máy dệt, lai rai suốt năm. Lấy công làm lời. Thời trang ứng dụng không chuộng gấm. Thường, gấm được dùng làm vải liệm.
Khi “di sản” tiếp biến
Thời các quý bà, quý cô mặc những bộ đồ lãnh Mỹ A “càng lâu càng bóng đẹp” đã qua lâu. Màu đen đơn nhất trở thành bất lợi thế của sản phẩm thủ công truyền thống định danh lụa Tân Châu. Thời trang thay đổi theo mùa. Xu hướng màu sắc được dẫn dắt bởi cảm hứng của những nhà thiết kế lừng danh ở tận đẩu đâu. Trong văn hóa của người châu Âu nhập khẩu phần lớn sản lượng lãnh Mỹ A, màu đen gợi không khí u buồn.
Đến giờ, lai lịch tên gọi lãnh Mỹ A còn là một bí ẩn. Chỉ biết sản phẩm thủ công này không thể thiếu trái mặc nưa, khá phổ biến ở miền Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar
Tiền nhân tạo ra lãnh Mỹ A. Sự tiếp biến của di sản ấy là satin nhuộm màu thiên nhiên, định danh Nguyễn Hữu Trí. Cũng như lãnh Mỹ A, satin thiên nhiên dùng tơ của Bảo Lộc. Quy trình dệt cũng vậy. Khác ở khâu nhuộm, thay vì mặc nưa Trí dùng cây cỏ hoa trái. Năm 2002, Trí công bố 7 màu.
Đến cuối năm 2015, bảng màu tăng lên 15. “Không còn satin để bán” - Trí nói. Người đàn ông trung niên này không nhiều lời về quá trình nghiên cứu, thử nghiệm. Trí không được đào tạo bài bản trong trường lớp. Cũng không thấy ở anh định hướng rõ ràng đi tiếp con đường của thân sinh thuở mới vào đời. Anh kinh qua nhiều nghề: chủ thầu xây dựng, nuôi tôm càng xanh, mới nhất là kinh doanh nhà hàng đặc sản đồng quê mà khoảng sân trước đang được nhóm thợ gấp rút khoan đục, dựng dàn phơi satin những ngày giáp Tết. Những công việc không bà con dòng họ với nghề truyền thống là các đứt gãy trong hành trình định nghiệp.Tiền nhân tạo ra lãnh Mỹ A. Sự tiếp biến của di sản ấy là satin nhuộm màu thiên nhiên, định danh Nguyễn Hữu Trí. Cũng như lãnh Mỹ A, satin thiên nhiên dùng tơ của Bảo Lộc. Quy trình dệt cũng vậy. Khác ở khâu nhuộm, thay vì mặc nưa Trí dùng cây cỏ hoa trái. Năm 2002, Trí công bố 7 màu.
Hẳn nhiên, cũng như các anh chị của mình, Trí sẵn có ít nhiều hiểu biết công việc trong xưởng. Từ vốn liếng tự nhiên đến một trường phái là hành trình sáng tạo lầm lụi. Ý tưởng thay thế mặc nưa bằng nguyên liệu nhuộm thiên nhiên từng bị không ít người xem là điên rồ, nhất là khi nhà thiết kế Võ Việt Chung khai thác dồn dập chất liệu lãnh Mỹ A với các bộ sưu tập Mơ về châu Á (Việt Nam - 2003),Lãnh (Malaysia - 2004), Sự hồi sinh (Đức - 2005). “Nếu không có gì thay đổi, satin sẽ xuất hiện tại một sự kiện thời trang tại Nhật” - Trí buột miệng.
Lãnh Mỹ A không còn là hằng số.
Nguồn: Thượng Tùng
---
DK SANSAN & GISY Team
---
Thích những gì bạn vừa đọc? Hãy để lại email và bạn sẽ không bỏ lỡ bất kỳ một bài viết chất lượng nào của Lụa Blog:
Lỗi liquid: Không thể biến đổi String thành input có kiểu String
Comment
-
Đăng ngày 19/ 05/2022 bởi evokeaghttp://slkjfdf.net/ - Ajbata Ekadjecen sfg.klcl.dksansangisy.com.yqx.nf http://slkjfdf.net/
-
Đăng ngày 19/ 05/2022 bởi ulrugacehttp://slkjfdf.net/ - Ihinat Oowizuv xbp.nwyj.dksansangisy.com.iyq.ln http://slkjfdf.net/