-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Ai đang dùng Lụa?
Người cuối cùng dệt lãnh Mỹ A
“Bên nàng mặc lãnh Mỹ A
Đưa đò sang chợ, tưởng xa hóa gần”
Tôi đã đi hơn 2000 cây số để được chạm tay vào mặt lụa đen huyền mát lạnh lóng lánh sáng, đẹp và buồn như được dệt bằng những hàng châu sa; để được tận tai nghe câu chuyện của người cuối cùng dệt Lãnh Mỹ A; tận mắt thấy một thái độ sống, một cam kết xác tín với nghề – hoang đường và khó tin như đàn khủng long thời tiền sử bỗng đường bệ đi vào thành phố
Nguyễn Hữu Trí cầm trên tay nhánh cây mặc nưa biếc xanh có trái tròn mọng bóng mướt màu lam ngọc, nói bằng giọng vừa cưng nựng vừa phát phiền: “Cái loài khó tính đỏng đảnh! Chăm nó quá thì nhựa bị hư, muốn nhựa tốt phải cằn cỗi thì lại ít quả. Đốn quả phải dùng ngay vì nó nhất định không chịu cho người ta giữ khô, quả vừa chín là hết nhựa. Mưa quá nắng quá đều không chịu, cây gì mà phải chặt đau đớn mới ra trái, để vươn ngọn xanh tốt lại vô duyên…” Nếu coi sợi tơ tằm là da thịt thì nhựa trái mặc nưa là nhan sắc của loại lụa cầu kỳ duy mỹ số một trên dải đất Việt: Lãnh Mỹ A. Thời Pháp mới đặt đô hộ Nam Kỳ, có người Pháp tên là De Colbert về xứ Tân Châu thấy thổ nhưỡng khí hậu phù hợp đã lập ra Sở Kén, chuyên trị việc trồng dâu nuôi tằm lấy tơ dệt lụa. Lãnh Mỹ A được dệt từ thứ tơ hảo hạng của những Ông Tằm khỏe nhất, nhuộm đi nhuộm lại nhựa trái mặc nưa trong hàng tháng trời. Thứ lụa trơn láng, đen nhưng nhức ấy mặc vào người như được vuốt ve trên da thịt, mùa hè mát rượi, mùa đông ấm sực dù chỉ khoác lớp tơ mỏng nhẹ, càng mặc càng giặt càng đen huyền, màu đen “chết không đổi tính” cho đến tận khi rách bục. Nguyên liệu hảo hạng, biết bao vất vả mới làm nên tấm vải, nên xưa kia chỉ bậc giàu có thượng lưu mới dùng lãnh Mỹ A mặc vào dịp ăn chơi sang trọng như đi xem hát- lễ tết – đám tiệc, tấm lãnh được người ta giữ như bảo vật trong nhà. Xưa, người Tân Châu nhuộm lãnh bằng vỏ cây già rồi đạp bùn. Vải lên đen nhưng không bền màu, nhanh phai và ánh đỏ. Tám Lăng, chàng thanh niên khỏe mạnh và tháo vát, nghe nói bên Cao Miên có trái mặc nưa chuyên dùng làm màu nhuộm, đã quyết đi qua biên giới mang về cho những nhà dệt trong vùng. Người Miên đập trái mặc nưa ra lấy nhựa, nhuộm vải rồi xả đi rồi lại nhuộm, cứ như thế cho đến khi mặt lụa đủ ngấu màu đen. “Vải của người Miên mặc thật lâu mới lên nước, sau khi chịu bao vầy vò giặt giũ. Chính vì thế, về Tân Châu tôi bàn với những nhà dệt vừa nhuộm vừa đập vải, cho thớ tơ vỡ ra. Ai ngờ đau đớn lại làm nên sự mềm mượt bóng huyền ngay lập tức cho miếng lãnh Mỹ A…”. Hơn nửa thế kỷ sau, ông già Tám Lăng ở tuổi 88 ngồi trong vườn nhà, thong thả kể lại cho chúng tôi nghe về những ngày trai trẻ vượt rừng đi tìm màu cho dòng lụa sang quý nhất của Tân Châu. |
Nhựa trái mặc nưa làm nên nhan sắc của lãnh Mỹ A |
Ông Tám Lăng nâng niu từng sợi tơ lãnh Mỹ A. |
Năm 1975, Tám Lăng dừng việc đi buôn trái mặc nưa, bởi ông đã kịp nhân được giống cây ngay tại quê nhà. Với vốn liếng kha khá, Tám Lăng mở một xưởng dệt lớn. Vì ông quá mê mẩn lãnh Mỹ A, muốn mang vốn liếng kinh nghiệm học được từ hàng chục năm đưa mặc nưa để làm ra một thứ lãnh thật đẹp thật nuột nà. Nhưng chiến tranh loạn lạc, việc sống khó nhọc bươn trải khiến người ta đâu dám mơ đến sự xa xỉ của việc mặc. Cả vùng Tân Châu không còn dệt tơ tằm, bãi dâu bị chặt, lò tơ ngưng quay, nghề chăn tằm vì thế chết tuyệt gốc. Các khung cửi dệt tay hầu hết chuyển sang dệt thứ sợi nilon phổ biến và rẻ tiền. Những nhà dệt lớn vì xót xa thứ lụa vốn là niềm kiêu hãnh của một vùng đất đều cố gắng cầm cự. Giống như vị thuyền trưởng chỉ rời khỏi con tàu đắm khi tất cả hành khách và thủy thủ đoàn đã xuống hết, Tám Lăng chống cự đến cùng trước cái chết của lãnh Mỹ A, cho tới năm 1984 thì người chủ xưởng ấy đành chấp nhận đóng khung dệt lãnh cuối cùng.
|
Gần đây, người Ấn Độ đã nhờ khoa học can thiệp đôi chút để “nhân bản” ra loại dê Cashmere thích nghi được môi trường ấm áp hơn, việc chăn thả dự định sẽ ở các vùng có độ cao thấp hơn, khí hậu bớt khắc nghiệt hơn. Điều đó giúp tăng số lượng đàn dê và sản lượng len. Tuy nhiên, can thiệp này đã vấp phải sự phản đối đến mức phẫn nộ từ những kẻ khó tính nhất định thủ tiết với sự cầu kỳ. Họ coi cố gắng để nhiều lên ấy như một sự phản bội tinh thần độc bản của len Cashmere. Rất tiếc quá nhiều người hiểu lầm giá trị của đồ xa xỉ nằm ở khía cạnh vật chất, trong khi xa xỉ luôn nằm trong tinh thần. Độ tinh xảo và hiếm có, tính thẩm mỹ xuất sắc của sản phẩm, sự đầu tư đến mức hoang đường về thời gian và không gian, thái độ và kỹ năng của người thợ trong quá trình sản xuất – mới làm nên giá trị xa xỉ. Những thứ thượng phẩm vì thế luôn hiếm hoi và cực nhọc, đằng sau câu chuyện xa xỉ phẩm thường là triết lý cực kỳ chính xác và xúc động về cái Đẹp. Ông Tám Lăng và người con trai nối nghiệp Nguyễn Hữu Trí có thể chưa từng biết sự đỏng đảnh khó chịu của thế giới xa xỉ phẩm mà cuộn len vàng ròng từ chú dê baby Cashmere là một ví dụ. Nhưng bao năm nay cha con họ vẫn luôn thanh thản đối xử với nghề bằng thái độ kỹ lưỡng, bằng sự trung tín bền bỉ như đương nhiên phải thế. Ông Tám có 10 người con, mỗi Trí mê mẩn nghề dệt. Anh nhận trọn vẹn từ cha mình lòng quyến luyến lụa và lãnh, như nhận mang vác một gánh nặng, một báu vật, một nợ nần truyền đời. Đường yêu kết từ tơ tằm và trái mặc nưa mà ông Tám Lăng khởi sự nên, Trí sẽ phải đi hết…
|
Từng sợi tơ mảnh được đầu tư tới mức...hoang đường của cha con ông Tám Lăng. |
Mỗi sợi tơ lãnh Mỹ A đều nhuộm bao nhiêu khó nhọc vất vả của người thợ. |
Có được tấm lãnh Mỹ A lên sắc đen huyền lấp lánh, mát mượt trên da thịt, phải trải qua khoảng 100 lần nhuộm, 20 lần giặt xả, khoảng 10 lần đập vải…Ông Tám Lăng gọi ngày mà “người đàn bà định mệnh” ấy tìm đến mình là ngày ơn phước. “Năm 1990, cô “Râu” tìm đến xưởng dệt Tám Lăng để hỏi về lãnh. Lúc đó, gần 1.000 khung dệt trong vùng chỉ dệt sợi nilon. Cô “Râu” rủ tôi: “Hãy quay lại dệt lãnh Mỹ A! Phải dệt bằng sợi tơ tằm, màu nhuộm từ thiên nhiên, làm thủ công hoàn toàn. Chỉ cần ông cố gắng dệt ra vải tốt hơn cả lãnh Mỹ A cũ, tôi sẽ cố gắng bán vải!”. Cô “Râu” tên là Rose Morant – nghệ sĩ đương đại, designer của một hãng thời trang xa xỉ của Pháp – lọ mọ đến Việt Nam để tìm vùng nguyên liệu thủ công và độc bản. Trong những truyền đạt ngắn gọn và đơn giản nhất từ Rose, ông Tám Lăng hiểu ngay việc của mình chính xác là phải làm ra những tấm lụa không thể đẹp hơn, bất kể mất bao nhiêu thời gian hay bao nhiêu khó nhọc. Việc đếm lỗi trên một cây lụa là hành vi hầu như không xuất hiện trong suy nghĩ của những người thợ thủ công chân lấm tay bùn, bao đời nay họ thao tác như một quy trình mặc nhiên “chăm hay không bằng tay quen”. Rose Morant thì yêu cầu gay gắt về kiểm soát lỗi. “Năm đầu tôi được phép có 10 lỗi trên một cây lụa 20m dài, sau đó chỉ được quá lắm là 5 lỗi”- ông Tám Lăng nhớ lại. Nếu bạn hiểu thế nào là “lỗi” theo quan niệm của họ, thì tôi tin ước mơ về nghề nghiệp của bạn vĩnh viễn sẽ không có chữ “dệt lụa”. Ngưng thoi dệt lâu quá vài giây, sợi tơ tằm bị “nguội” nên khi dệt tiếp sợi bị hằn lên bằng cọng tóc chẻ làm mười – cũng coi là một lỗi chỉ được quyền vi phạm 1 lần trên 20m vải! Mà trong chi chít công đoạn từ tách/se tơ, nhuộm/giặt/đập/phơi/là phẳng lụa… kéo dài suốt nhiều tháng trời, không được phép xảy ra quá 5 lỗi phải soi kính lúp mới tìm thấy – bạn có thấy muốn bệnh không?
|
Từ yêu cầu “khó phát điên” của Rose thì lãnh Mỹ A đành phải chuyển vùng nguyên liệu. Khí hậu Bảo Lộc- Lâm Đồng quanh năm mát ẩm, là nơi duy nhất ở Việt Nam nuôi được giống tằm có gốc từ vùng núi Phú Sĩ – Nhật Bản. Một Ông Tằm tốt sẽ nhả được thước tơ chừng 700m, lãnh đẹp nương vào tơ, vì thế dệt lãnh phải chọn tơ loại Một được lấy từ ông tằm khỏe, kén chín vào mùa xuân, sợi tơ dài nuột nà mềm mượt không mối nối, mang màu trắng ngà nhìn vào cảm giác trong veo như sợi cước. Tơ Bảo Lộc về đến xưởng Tám Lăng sẽ có thợ chuyên quay tơ se sợi (mỗi sợi dệt ngang được chập lại từ 8 con kén, sợi dọc là chập tơ từ 10 con kén). Thợ dệt sẽ mắc cửi coi khung, đứng canh mặt vải không rời mắt mỗi giây để tránh lỗi, thấy tơ hơi gợn lên là phải gỡ, phải dấu được mối nối giữa các đoạn để cả cây lụa như được dệt ra từ một sợi tơ duy nhất. Thế mà vải dệt xong, vẫn cần một người thật cẩn thận, mang kính cầm nhíp xăm xoi tỉ mẩn từng milimet để “cứu” những vết tơ hơi lằn trên mặt lụa. Rồi lụa được cho vào luộc để ra hết chất keo ông tằm, sau đó mới mang vào nhuộm. 100kg trái mặc nưa xay nhỏ sẽ đủ nhựa nhuộm được 20m lụa. Xưa nay, phàm thứ gì quý hiếm thì đều khó khăn đỏng đảnh. Lãnh Mỹ A cũng vậy!
|
Từng sợi tơ mảnh được đầu tư tới mức...hoang đường của cha con ông Tám Lăng. |
Da Một mất 9 ngày với 27 lần nhuộm rồi giặt xả, phơi rồi nhuộm lại… Da Hai vẫn quy trình như thế trong 9 ngày. Da Ba cùng một quy trình trong 6 ngày. Ba da đầu tiên để sợi tơ ngấm nhựa mặc nưa, giúp vải đằm và đảm bảo độ bền. Phải canh để nhựa không bị thừa, nếu không vải sẽ quá nặng. Nếu “non nhựa”, màu đen sẽ lên không đủ sâu và dễ phai.
Đến Da Bốn người thợ nhuộm bắt đầu chỉnh màu cho no đều, cây lụa được mang vào đập cho vỡ thớ sợi để màu nhuộm “ăn” thật sâu vào tận lõi tơ, màu đen bật lên nhưng nhức. Da Năm vẫn nhuộm tiếp, để bóng láng mặt vải, sau đó mang giặt và đập vải. Lúc này miếng vải đã gần như cố định về “nhan sắc”, nhưng cần cảm giác mềm mại mơn man – người ta sang Da Sáu: miếng vải được đập kỹ, giặt bằng nước sông Lãnh, phơi khô sau đó mang vào ủi thật phẳng phiu. “Không có con số chính xác về số lượt nhuộm mặc nưa, vì thời tiết xấu cây vải không ăn nhựa thì riêng Da Một đã phải nhuộm tới hơn 50 lần.
Có được tấm lãnh Mỹ A lên sắc đen huyền lấp lánh, mát mượt trên da thịt, phải trải qua khoảng 100 lần nhuộm, 20 lần giặt xả, khoảng 10 lần đập vải…”- Nguyễn Hữu Trí bỏ hết cả ngón tay ngón chân ra đếm, rồi lắc đầu như bất lực trước sự nhiêu khê của những con số. Trí còn đếm được trên một mét lãnh có 13 ngàn sợi chạy ngang, nghĩa là cần 104 ngàn con kén được chập thành tơ. Làm sao người mặc có thể tưởng tượng ra mình mang trên người những tinh hoa của từng ấy kiếp tằm???
Lãnh được cuộn lại rồi cho vào đập cho vỡ thớ tơ. |
Từ lúc dệt cho đến khi nhuộm xong một miếng lãnh Mỹ A mất 4 tháng. “Với sự khó tính của cô Rose, chúng tôi phải làm ra loại lãnh đẹp hơn ngày xưa tới 10 phần” – ông Tám Lăng kể, đơn giản như thuật lại sáng nay vừa ngồi chỗ nào. Năm 1991, ra đời 500m lãnh đầu tiên theo “chuẩn của Rose”. Không đạt yêu cầu, Rose vẫn thu mua, vừa động viên vừa kèm cặp gia đình Tám Lăng hoàn thiện kỹ thuật dệt và nhuộm. 1992, số lãnh dệt được 1.000m, đạt 70% yêu cầu. Họ đồng hành cùng nhau đi chậm và chắc chắn, không sốt ruột, không nản lòng, không phân vân. Và từ 1995 thì lãnh Mỹ A đã đủ chuẩn để làm nguyên liệu cho nhiều nhãn thời trang xa xỉ của thế giới. Rồi Rose Morant rời Việt Nam, công ty của chị sang nhượng lại cho Hanoia – nhà chế tác sơn mài cao cấp đầu tiên của Việt Nam. Tôn vinh và bảo toàn tinh hoa thủ công là con đường Hanoia lựa chọn, và những tình cảm cũng như cam kết “cưu mang” Lãnh, Hanoia đã đi tiếp nguyện vọng của Rose Morant. Người trung chính giữ lời Tám Lăng thì vẫn tuân thủ lời hứa ngày nào: chỉ dệt ra thứ vải tốt nhất. Ông Tám Lăng hiện đã lui về nghỉ ngơi, cơ ngơi xưởng dệt trao lại cho con trai. Buổi trưa nắng chói, Trí đưa chúng tôi ra ruộng mặc nưa khoát tay chỉ: “Cả vùng trồng mặc nưa chỉ để bán cho nhà tôi. Nếu trúng mùa, số mặc nưa đủ nhuộm cho 10.000m vải, nhưng hiện nay nhà tôi chỉ làm 3.000m. Mình có thể dệt tới 6.000m, nhưng Hanoia rất cố gắng nhưng cũng chỉ bán được như thế. Tôi lo cho mặc nưa lắm. Người dân không bán được trái, họ sẽ đốn bỏ mặc nưa để trồng cây khác có lời hơn. Bên Campuchia mặc nưa đã bị xóa sổ rồi, chỉ còn vài vườn ở đất Tân Châu này…” |
Thị trường bán lẻ trong nước thì sao? Trí lắc đầu buồn bã, thẩm mỹ sặc sỡ và thói quen tiêu dùng nhanh tiện không cho Lãnh Mỹ A khe cửa hẹp nào. Làm ra tấm lãnh đã cực nhọc, nhưng để dùng được nó cũng hầu đến khổ. Lãnh Mỹ A phải khâu tay, nếu dùng máy may nhất định phải là loại máy tốc độ cực chậm, dùng kim khâu đầu tròn – thì thớ lụa mới không bị xé ở đường may. Riêng tiền nguyên liệu để may lên một bộ váy đã hàng triệu bạc, lại chỉ có duy nhất màu đen, lại đòi hỏi thủ công toàn phần…, người “nhiễu sự” về chuyện mặc như thế đâu phổ biến.
|
Cả cây lụa được dệt từ một sợi tơ duy nhất. |
Lụa được phơi trên cỏ có độ cứng đủ để nâng vải hứng nắng, đồng thời phải đủ mềm để không xước sợi vải.
Trí đang mang vác trách nhiệm người cuối cùng dệt lãnh Mỹ A. Thứ lụa huyền ảo và đẹp như một nỗi buồn này có thể sinh sôi tiếp diễn hoặc tuyệt mệnh – đều do Trí. “Cô Rose có mong ước làm sao lãnh Mỹ A đa sắc, nhưng với điều kiện màu nhuộm phải hoàn toàn thiên nhiên”. Ao ước bâng quơ của người phụ nữ Pháp gắn bó một lòng hồi sinh lãnh Mỹ A, với Trí như món nợ ân tình phải trả. Thì anh đi tìm màu nhuộm mới.
Kỳ cạch suốt từ 1997, Trí lấy màu từ đất đá, vỏ cây, lá, củ, thân rễ, lõi gỗ… với các thử nghiệm cầu kỳ nhất mà anh có thể tưởng tượng ra. Tới 2003 Trí tìm được 7 màu mới cho lụa Tân Châu (lụa gốc chỉ có màu đen mặc nưa hoặc trắng ngà màu nguyên của tơ tằm). Nhà thiết kế Võ Việt Chung có một bộ sưu tập áo dài mang ra quốc tế với tên “Mơ về Châu Á” – lụa tơ tằm Tám Lăng với 7 sắc màu từ cây cỏ do Trí tìm ra. Cuối năm 2015 chúng tôi về Tân Châu, Trí mang bảng màu ra khoe. Lụa nhà Trí đã có 12 màu, nhưng anh vẫn mang nỗi niềm bất toại: “Màu từ thiên nhiên biến hóa khôn lường. Nhuộm lên màu thì dễ, nhưng làm sao để màu đó gia cố kết cấu vải thêm bền, bám màu không phai được như mặc nưa – tới giờ tôi vẫn chưa tìm được…”.
Trí bị ám ảnh bởi tone xanh, thứ màu không thể giữ lại, diễm lệ và sẵn sàng phôi phai tan biến. Trí vẫn mơ về cây tràm cổ của đất Tân Châu, loài cây đã bị tuyệt diệt ấy theo lời kể của những người già thì nó chiết ra nhựa xanh ngắt và bám màu bền bỉ. “Biết đâu sẽ là một thứ Mặc nưa màu xanh??! Tôi nhất định phải đi tìm…”
Từ màu đen hoặc trắng ngà của lụa gốc, Trí đã tìm ra nhưng màu mới cho lụa Tân Châu. |
Trong xưởng nhuộm của Tám Lăng có một bó chổi xuể bằng chét tay lấy về từ vùng núi Ninh Thuận. “Đó là cây chổi Tổ của người thợ nhuộm” – Trí thành kính nói. Cây chổi dùng để nhúng vào nước rồi vảy lên cuốn vải, cho vải đủ ẩm mới đưa vào máy đập. Người thợ nhuộm giỏi nghề phải biết coi chừng nhịp nước, nếu vải khô quá sẽ không ăn đủ nhựa mặc nưa, vải dư nước mặc nưa bị “ói” ra mất công nhuộm lại. Trong bí kíp truyền đời của nghề làm lãnh, không một ai dùng cách nào khác để vẩy nước cho cây vải. “Chúng tôi có niềm tin rằng chỉ dùng đúng cây chổi tổ, tấm lãnh Mỹ A mới trở nên mềm mại và bóng đẹp…” Niềm tin là một thứ quyền lực vô hình vô ảnh nhưng chắc chắn đến mức kỳ vĩ. Biết đâu, ông Tám Lăng và giờ đây là Nguyễn Hữu Trí đã dấn thân vào vạn dặm độc hành hun hút của lãnh Mỹ A với niềm tin như một bóng mát trên đầu? Và biết đâu, chỉ với gia tài duy nhất là niềm tin, sẽ có ngày Trí tìm thấy cây Tràm cổ – hoang đường như một hóa thạch hồi sinh. Hẳn lãnh Mỹ A sẽ mang một nhan sắc mới với thứ “mặc nưa” kỳ lạ ánh lên màu diệp lục…
|
Source: tamsonvn.com
Editted by DK SANSAN & GISY Team
---
Lỗi liquid: Không thể biến đổi String thành input có kiểu String
Lỗi liquid: Không thể biến đổi String thành input có kiểu String