Created: by CÔNG TY CỔ PHẦN SLIMMER STYLE

         Lụa tơ tằm là một trong những chất liệu cao cấp và đắt nhất thế giới. Chỉ vài quốc gia có năng lực sản xuất lụa tơ tằm, trong đó có Việt Nam.

Tôi bước vào Samuel Scheuer Linens, một tiệm vải sợi nội thất Ý nổi tiếng tại khu kinh doanh sầm uất ở trung tâm San Francisco, Mỹ. Nào là drap trải giường, chăn, gối, khăn bàn, khăn ăn… bằng đủ chất liệu, từ linen, cotton, đến lụa trải ra mềm mại, mời mọc.

Ở một kệ trên cao, tôi thấy hai cái vỏ áo gối trắng thêu hoa lavender tuyệt xinh. “Cô muốn tôi lấy xuống cho cô xem không?”, một nhân viên kinh doanh thấy tôi tần ngần hồi lâu tại đó nên tiến đến hỏi. Tôi gật đầu: “Làm ơn cho tôi xem”. Anh đưa cho tôi cái gối. Những nét thêu tay tinh xảo truyền sang tôi một cảm giác say mê khó tả. Tôi nói với cô bạn gái đi cùng: “Đúng là hàng Ý. Đẹp đến từng tiểu tiết”. Anh cười: “Gối này làm ở Việt Nam”. Rồi anh khua tay một vòng: “Tất cả các sản phẩm này đều made-in-Vietnam”. Từ lúc nào hàng vải sợi Việt Nam vào được những cửa hàng cao cấp này?

Các mặt hàng lụa cao cấp

Giới yêu thời trang Việt giờ mấy ai không biết cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Tổng công ty Dâu tằm tơ, Bảo Lộc Silk hay Vietnam Silk House. Ở đây, chúng ta tìm thấy các mặt hàng lụa tơ tằm sản xuất tại Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Có một thời, ngành tằm tơ Việt Nam dường như lụi tàn. Nông dân chặt bỏ cây dâu, bởi nuôi tằm vất vả mà giá tơ thì thấp. Người Việt mô tả nghề tằm tơ là “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”. Con tằm khó tính và chỉ sống được trong môi trường rất sạch. Người nuôi tằm phải chăm chút con tằm thật kỹ lưỡng, nếu không tằm dễ đổ bệnh mà chết hàng loạt. Không phải tự nhiên mà nghề tằm tơ trước giờ đều phát triển ở Bảo Lộc. Chị Hà Thị Hoa, giám đốc nhà máy Hà Bảo Silk, cho tôi biết: “Khí hậu Bảo Lộc trong lành, không ô nhiễm, nhiệt độ ôn hòa, vì thế hợp với con tằm”.

Lụa Việt ngày xưa

Trước đây các khâu sản xuất lụa hoàn toàn làm tay. Lụa Hà Đông, Vạn Phúc cả ngàn năm vẫn thế. Con tằm Việt Nam vàng ươm, khó nhuộm ra màu thời trang. Sợi tơ cũng ngắn nên hiệu quả sản xuất không cao. Làng nghề truyền thống thì sử dụng những chiếc máy ươm tơ cũ kỹ se sợi thô. Sợi lụa se từ 10 đến 20 kén tằm khác nhau, lại bị đứt nối nhiều nên dày và không mịn. Kết quả là lụa Việt xưa nếu không quá mỏng manh, dễ rạn thì lại thô, không phù hợp để may các mặt hàng thời trang cao cấp.

Tơ tằm bền vững hơn cả cotton và len

Nghề tằm tơ Việt giờ đã khác. Con tằm giống từ Trung Quốc cho loại tơ màu trắng, kéo mỗi kén được cả ngàn mét. Các nhà máy tại Bảo Lộc hiện sử dụng máy ươm tơ hiện đại. Mỗi sợi lụa có thể chỉ cần se từ tơ của 4 kén tằm, do đó đủ mỏng, mịn để dệt các loại vải cao cấp như organza hay satin. Ở Hà Bảo Silk, tôi thấy hàng trăm chiếc máy dệt nhịp nhàng cho ra những kết cấu dệt đa dạng.

Tuy nhiên, nghề dệt lụa tơ tằm không thể hoàn toàn tự động hóa. Nhiều khâu vẫn đòi hỏi làm thủ công. Ở xưởng nhuộm, in, tôi thấy anh công nhân xoay trần, tay kéo từng mảng màu trên lụa. Dưới tay anh, những sắc màu rực rỡ của hoa văn hiện lên dần dần.

Khâu in vải tơ tằm hiện vẫn phải làm thủ công. Mỗi màu in đòi hỏi một lần kéo lụa nên mất rất nhiều công sức

Con tằm không nằm mà đi bộ

Nghệ nhân Phan Thị Thuận lại phát triển con tằm theo hướng khác. Cô không làm vải lụa mà tập trung làm ruột gối, ruột chăn. Đến thăm cơ sở sản xuất của cô tại Phùng Xá, Mỹ Đức, cô cho tôi xem hàng trăm “nong” tằm đặc biệt. Đó là những lớp nền phủ keo khổ đúng bằng chiếc ruột chăn. Trên mỗi tấm lụa có hàng trăm con tằm đang ngóc cổ từ bên này qua bên kia, nhả ra những sợi tơ óng ánh. Cô đặt tên cho loại chăn của mình là “tằm tự dệt”. Người tiêu dùng hâm mộ lại ưu ái tặng cho chăn của cô cái tên khác: “tằm đi bộ”.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận, người buộc con tằm “đi bộ

Như đã nói, nghề nuôi tằm vất vả, ngày càng ít người làm. Tìm nhân công khó, cô nghĩ ra cách bắt những công-nhân tằm không kéo kén, mà cần mẫn nhả tơ ngay trên tấm lụa. Nhờ đó, cô có thể xử lý cả tấm lụa – chiếc kén tằm khổng lồ, mà không cần qua nhiều công đoạn trải và kết tơ sau đó. Hỏi cần bao nhiêu công nhân-tằm mới ra được một tấm chăn, cô cho biết: 36 ki-lô-gam tằm.

Mỗi “nong tằm” là một tấm chăn. Sau bốn ngày, cô Thuận gỡ ra luộc nguyên miếng là được một ruột chăn

Chiếc ruột chăn “tằm đi bộ” thuộc loại “đỉnh của những thứ đỉnh nhất!”

Tấm chăn của cô Thuận dệt ra êm ái, mềm mịn mà có khả năng khử mùi tự nhiên, vì thế được mọi người ưa chuộng. Yếu điểm duy nhất của loại chăn độc đáo này là giá thành rất cao nên khá kén khách.

Năng lực sản xuất là điều kiện cần. Chúng ta còn thiếu điều kiện đủ: phát triển thương hiệu. Con tằm không thể mãi đi bộ. Nó cần phải bay lên.

Ở làng nghề Ninh Bình

Sau khi thăm nhà máy dệt ở Bảo Lộc và công ty tằm tự dệt ở Mỹ Đức, tôi tìm về Ninh Bình. Ở đây, tôi có dịp được trò chuyện cùng chị Vũ Thị Hồng Yến, sáng lập công ty thêu Minh Trang. Ai đến Ninh Bình sẽ thấy cửa hàng đồ sộ của chị ngay đường vào Tam Cốc. Không nuôi tằm, dệt lụa, chị tập trung vào khâu cuối cùng: may và thêu các sản phẩm từ tơ tằm và các loại vải tự nhiên khác. Trong cửa hàng, ngoài quần áo và chăn gối lụa, chị còn có những khung thêu giới thiệu những đường thêu rua thủ công rất lý thú.

Công ty của chị có khoảng 50 công nhân thêu giàu kinh nghiệm. Chị bảo: “Ngày xưa Ninh Bình có nhiều thợ thêu lắm, nhưng nghề này vất vả mà được trả công thấp nên mai một nhiều rồi”. Hôm sau tôi đi đò vào Tam Cốc chơi. Mai, một cô lái đò, vô tình khẳng định lời chị Yến. Cô kể: “Trước em cũng làm nghề thêu. Không có đơn hàng, lại vất vả quá nên bỏ, bây giờ chỉ làm nông và chèo đò thôi”.

Thêu tay trên lụa

Thăm công ty Minh Trang, tôi say mê ngắm đôi tay người thợ thêu thoăn thoắt trên mặt vải lụa. Đa số họ đều đã lớn tuổi. Dưới đôi tay họ, từng cánh hoa, cánh bướm hiện lên dần, duyên dáng và thanh tao. Ước mơ của chị Yến thật đơn giản: “Tôi ước gì có đủ đơn hàng để giữ cho được nghề thêu truyền thống, không để mai một đi mất”.

Chị Vũ Thị Hồng Yến (áo xanh) hướng dẫn nhân viên đan tết. Những đường thêu rua thủ công làm tăng giá trị cho sản phẩm. Mấy ai tin trước khi trở thành doanh nhân, chị từng là cô thợ hàn.

Cửa hàng tơ lụa của chị Vũ Thị Hồng Yến ở Ninh Bình, giới thiệu đến du khách những sản phẩm lụa Việt tinh tế

Để có được cơ sở ngày hôm nay, chị Yến đã trải qua rất nhiều năm vất vả. Chị từng lên Thái Nguyên làm thợ hàn. Những ngày đầu gầy dựng công ty quá thiếu vốn, nhiều lúc chị phải trải chiếu qua đêm ngay dưới gầm bàn. Kể lại cho tôi về những ngày đầu dựng nghiệp, chị rơm rớm nước mắt.

Cơ hội cho lụa tơ tằm Việt Nam

Bàn về sự phát triển của ngành lụa tơ tằm Việt, tôi không khỏi cảm thấy tự hào. Cách đây một vài thập niên, chúng ta chủ yếu may gia công quần jeans, áo thun rẻ tiền với số lượng lớn. Giá sản xuất mỗi món hàng rẻ mạt, tính bằng xu Mỹ. Giờ đây, ngày càng nhiều sản phẩm từ thời trang đến nội thất cao cấp được gia công một phần, thậm chí toàn phần, trong các nhà máy tại Việt Nam. Tôi từng thăm một nhà máy may tại Myanmar.

Anh giám đốc tự hào dẫn tôi đi giới thiệu dây chuyền sản xuất áo thun. Họ đang có đơn hàng sản xuất hàng triệu chiếc áo thun cho H&M. Tôi hỏi anh: “Còn các mặt hàng cao cấp của các anh?” Anh lắc đầu: “Công nhân của chúng tôi chưa đạt đến trình độ khéo tay của người Việt”.

Làm sao để giữ nghề?

Sản xuất các mặt hàng cao cấp không đơn giản, xử lý chất liệu tơ lụa lại càng khó. Nó đòi hỏi đôi tay khéo léo của nghệ nhân. Tiếc thay, tay nghề thủ công đang mai một dần. Nhiều nhà sản xuất lo lắng các bạn trẻ hiện không thích nghề này, may thêu thủ công đa số là người lớn tuổi. Mai này, ai sẽ giữ lấy nghề độc đáo này của Việt Nam?

Ở thì hiện tại, hàng cao cấp made-in-Vietnam đã ghi được dấu ấn tốt đẹp trong lòng người tiêu dùng thế giới. Đó là điều kiện cần, chỉ còn thiếu điều kiện đủ: chiến lược phát triển thương hiệu, vốn là điểm yếu của chúng ta xưa nay. Để thoát khỏi vị trí một quốc gia gia công, doanh nhân Việt cần có nhiệt huyết và tầm nhìn chiến lược. Đừng để con tằm mãi đi bộ. Nó phải bay lên.

CHĂM SÓC TRANG PHỤC BẰNG TƠ TẰM

  • Tơ tằm không gây kích ứng da, phù hợp với người hay dị ứng.
  • Quần áo tơ tằm ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè.
  • Không nhất thiết phải giặt hấp. Bỏ lụa vào túi giặt và giặt máy ở chế độ “delicate” với xà bông ít kiềm.
  • Tơ tằm ít dính bụi, nhưng do là sợi protein, sau khi mặc cần giặt ngay kẻo bị ố mồ hôi.
  • Với quần áo tơ tằm in hoặc nhuộm, ngâm trong nước pha giấm trắng trước khi mặc lần đầu để đỡ phai màu.

Nguồn:  TRẦN NGUYỄN THIÊN HƯƠNG - Harper’s Bazaar Việt Nam 

  • lụa lụa tơ tằm lụa Việt
Lỗi liquid: Không thể biến đổi String thành input có kiểu String

Comment

Comment



Top

zalo