Created: by CÔNG TY CỔ PHẦN SLIMMER STYLE

Hàng Châu có trường đại học 200 năm tuổi đào tạo những người trở thành ông chủ của các công xưởng dệt may lớn nhất thế giới, bảo tàng tơ lụa quốc gia và nhiều bảo tàng tơ lụa tư nhân lớn nhất thế giới.

Tháng 10 hằng năm, thành phố Hàng Châu, Trung Quốc tấp nập khách hàng đến từ các thương hiệu lụa nổi tiếng để thăm dò thực lực sản xuất và ký những hợp đồng cho năm sau. Hàng Châu xứng danh là thủ phủ tơ lụa 2000 năm của Trung Hoa. Nơi đây có trường đại học 200 năm tuổi đào tạo những người trở thành ông chủ của các công xưởng dệt may lớn nhất thế giới, bảo tàng tơ lụa quốc gia và nhiều bảo tàng tơ lụa tư nhân lớn nhất thế giới. 

Chuyến đi này đến Hàng Châu và Tô Châu thật đặc biệt bởi với sự giới thiệu của Tập đoàn Thời trang High Fashion, chúng tôi đã được thăm cơ sở sản xuất hàng dệt may, đặc biệt là tơ lụa của những công xưởng thế giới có doanh số xuất khẩu 9 - 10 tỷ USD mỗi năm. Hàng Châu mùa thu đẹp tuyệt vời với những hàng cây vàng rười rượi Tây Hồ.

Cảnh thu đẹp lan cả vào khu công nghiệp, nơi đặt đại bản doanh của nhiều tập đoàn dệt may nổi tiếng như Cathay Corp, High Fashion Corp, Han Silk... Khu sản xuất với những tòa nhà mười tầng chạy trùng điệp không thấy điểm dừng.

Quả là một dịp may để được nhìn thấy tận mắt những gì đã nghe về hàng hiệu thời trang thế giới xuất xứ từ Trung Quốc.

Hàng Châu làm hàng hiệu

Trong một nhà máy, lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy khăn lụa mang nhãn hiệu lừng danh của Pháp trong một nhà kho khổng lồ - thứ hàng hiệu mà hàng triệu phụ nữ mơ ước mỗi khi gió lạnh mùa thu về. Và đây là hàng thật, được chủ sở hữu thương hiệu ký hợp đồng sản xuất tại Trung Quốc.

Ông chủ tịch HĐQT của đơn vị gia công hàng hiệu này cho biết: "Chúng tôi đã sản xuất cho đối tác gần 20 năm qua, luôn giữ đúng chất lượng của thương hiệu đó nên họ rất tin tưởng".

Chúng tôi đã sốc khi so sánh giá thị trường và giá xuất xưởng của loại khăn lụa cao cấp này. Người trong nghề hiểu rằng khó lòng cạnh tranh với các nhà sản xuất Trung Quốc khi họ có thể làm hàng hiệu với giá bình dân như thế. Và xin nhắc lại lần nữa, đó là hàng hiệu thật, không phải hàng nhái.

Hầu hết các thương hiệu lụa nổi tiếng và lâu đời nhất châu Âu đã phải chấp nhận để cho người Trung Quốc làm hàng để tăng mức cạnh tranh. Hiểu ra điều này, chúng tôi cứ tủm tỉm khi nhớ lại ở Việt Nam, khách hàng hay hạch hỏi vì sợ mua nhầm phải lụa Trung Quốc.

Trong những công xưởng thế giới này, công ty có thực lực mạnh mới giữ được thị phần trong nước. Bởi thị trường Trung Quốc với 1,4 tỷ người, mức tiêu dùng cao và ngày càng có thêm nhiều người giàu.

Sáng ấy chúng tôi đến một nhà máy lừng danh vì nhiều năm liền là nhà cung cấp lụa cho hoàng gia Anh. Thông tin này được trưng ra tại Triển lãm Tơ lụa Quốc tế 2016 ở Hàng Châu vào cuối tháng 10 vừa qua nên chắc chắn là thông tin đáng tin cậy. Ông chủ của Hansilk là một người vui vẻ, đã từng đến thăm chúng tôi ở Hội An nên nhiệt tình giúp chúng tôi tìm hiểu thực tế sản xuất lụa tơ tằm thiên nhiên ở Hàng Châu.

Là một nhà cung cấp nhắm vào thị trường nội địa là chính, ông chủ Tập đoàn Hansilk nói với chúng tôi đó là thị trường khó khăn nhất, thị trường lụa cao cấp cho người có thu nhập cao. Cùng với những thành công lâu dài khi hoàng gia Anh là khách hàng tiêu biểu, Hansilk đã quay trở lại phục vụ thị trường nội địa, dù yếu tố truyền thống kết hợp với thời trang hiện đại là một thách thức không nhỏ.

Hầu hết khách hàng đều phải dừng lại trước cánh cửa dẫn vào phòng thiết kế - một khu nhà rộng lớn và hiện đại - vì muốn vào phải được nhận diện bằng dấu vân tay nhằm bảo vệ những bí mật của thế giới thời trang, trừ những khách mời đặc biệt.

Ông chủ Hansilk cho biết: "Trong công xưởng thế giới này, chúng tôi đã tiến đến định vị gu thời trang, không chỉ ở nội địa, mà còn góp phần định vị cho các kinh đô thời trang. Để làm được việc này, người Trung Quốc tích cực thu hút chất xám đến từ châu Âu".

Hèn gì mà trong phòng thiết kế, gần một phần ba người ngồi làm việc là người Âu. Vậy mà chúng tôi đã từng ngây thơ nghĩ những công xưởng thế giới này chỉ biết thụ động ký các bản hợp đồng gia công khổng lồ cho Mỹ và châu Âu. Họ đã bước sang thế chủ động từ rất lâu để buộc thế giới yêu màu xanh biển chứ không phải màu xanh lá cây trong mùa thu này, ví dụ như thế. Sức mạnh của họ đã bắt đầu như vậy!

Chợ lụa Hàng Châu

Gia công cho cả thế giới, cung cấp hàng rẻ tiền cho cả thế giới, nếu thế giới cần bất cứ mặt hàng nào. Chúng tôi hiểu ra điều này khi đi qua con đường tơ lụa Hàng Châu ở phố Qinghefang, chỉ là đoạn đường vài trăm mét mà hai bên san sát cửa hàng bán sỉ. Nhưng đó là con đường bán sỉ lớn nhất thế giới, khi từ đây cung cấp lụa, hàng thời trang và sản phẩm lưu niệm từ vải và lụa ra khắp châu Á, châu Phi và Đông Âu.

Các chủ tiệm có thể bán lẻ với giá sỉ, nhưng chỉ bán khoảng 5 cái mỗi mẫu. Việc mua bán xuyên quốc gia này thật dễ dàng và thuận lợi. Mua hàng, đưa cái thẻ ra quẹt, xong về nhà ngồi chờ hàng đến, mọi dịch vụ chuyển hàng, thuế đã có người lo.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những công xưởng dệt may thế giới này. Tại sao họ có thể sản xuất ra hàng với giá sỉ thấp đến mức không tưởng? Tôi đã nhìn thấy hàng hóa của họ tràn lan ở các chợ Bangkok, Singapore, thứ hàng đặc chủng dành cho du khách mua sắm.

Bạn tôi - một người "đánh hàng" Trung Quốc cho thị trường Đông Âu trên 25 năm nhận xét: "Có thể hình dung người lao động bị ép lương, có thể nghĩ đến hóa chất độc hại, có thể hình dung ra đủ thứ khủng khiếp như nhà sản xuất được tài trợ để thâu tóm cả thế giới, nhưng thế giới đâu phải là hoang mạc, và mỗi nước đều dựng lên những hàng rào kỹ thuật để bảo vệ người tiêu dùng. Cái chính là họ vượt qua hàng rào ấy rất giỏi. Tôi chỉ có thể bày tỏ là họ giỏi, họ kiên nhẫn với từng hợp đồng bé tí để một ngày không xa tràn ra khắp thế giới".

Chợ lụa ở phố Qinghefang ngày ngày vẫn kiên nhẫn bán sỉ từ vài trăm cái khăn lụa vài ba đô la Mỹ mỗi cái đến các loại khăn giả những nhãn hiệu thời trang cao cấp nhất thế giới với giá 10 USD mỗi sản phẩm. Các công ty tơ lụa Hàng Châu vẫn ký những hợp đồng với các kinh đô thời trang và cho cả người tiêu dùng Trung Quốc những chiếc khăn lụa giá 200 USD, những chiếc áo xường xám (cũng gọi là sườn xám) lụa truyền thống 600 USD. Để từ đó bao người mua hàng hiệu tơ lụa ở khắp thế giới với giá một vài nghìn USD.

Những chiếc khăn hàng hiệu, dù nó là những nhãn hiệu lâu đời của Thái Lan, của Pháp, dù nó là niềm tự hào của bất cứ thương hiệu nào, nó cũng có thể được sản xuất chính danh tại Tô Châu hoặc Hàng Châu - thủ phủ tơ lụa 2000 năm của Trung Quốc.

Source: doanhnhansaigon.vn

Editted by DK SANSAN & GISY Team

---

Thích bài viết? Hãy để lại địa chỉ email của bạn dưới đây và bạn sẽ không bỏ lỡ bất kỳ bài viết nào của LỤA Blog:

 
  • 2000 năm Hàng Châu Lụa thủ phủ Lụa Trung Hoa
Lỗi liquid: Không thể biến đổi String thành input có kiểu String Lỗi liquid: Không thể biến đổi String thành input có kiểu String

Comment

Comment



Top

zalo